Tin tức

PHÁT HIỆN NƯỚC KHOÁNG RADON Ở VIỆT NAM CẦN NGHIÊN CỨU VÀ BẢO VỆ NÓ

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

PHÁT HIỆN NƯỚC KHOÁNG RADON Ở VIỆT NAM
CẦN NGHIÊN CỨU VÀ BẢO VỆ NÓ

 

                                                                                                            KS Lê Tứ Hải

                                                                                                        TS Cao Thế Dũng

                                                                                  (Liên hiệp KHSX địa chất nước khoáng)

                                                                                                        [TS Võ Công Nghiệp]

                                                                                                      (Hội địa chất thuỷ văn)

 

Những nguồn nước khoáng có hàm lượng radon không nhỏ hơn 1nCi/l được xếp vào lọai "nước khoáng radon". Trên Thế giới rất nhiều quốc gia đã sử dụng nước khoáng radon như một phương tiện chữa bệnh quí giá. Trước năm 2000 chưa một tác giả nào công bố về phát hiện nước khoáng radon trên lãnh thổ VN.

Năm 2000, Liên hiệp khoa học sản xuất địa chất nước khoáng thuộc Tổng hội địa chất Việt Nam đã lần đầu tiên phát hiện ra nước khoáng radon tại mỏ Thanh Thuỷ. Chúng được phát hiện tại 3 lỗ khoan khác nhau. Hàm lượng radon cao nhất do Viện KHKT hạt nhân đo được tại một  lỗ  khoan là 5,89nCi/l. Nước khoáng radon phân bố tại  2 vòm địa nhiệt cách nhau 500m.

Do nước khoáng radon có giá trị y học rất cao nên cần phải nghiên cứu để sớm đưa vào sử dụng một cách hợp lý, đồng thời cần chú ý bảo vệ nó để mỏ không bị phá huỷ.

 1. Phát hiện nước khoáng radon ở Việt Nam

Đã từ lâu, trên thế giới người ta biết có một loại nước khoáng chứa hàm lượng cao của khí phóng xạ radon(Rn). Loại nước này chữa được nhiều bệnh mà các loại nước khoáng khác không làm được. Nó được gọi là “nước khoáng radon”. Rất nhiều nước trên thế giới sử dụng nước khoáng radon, và mỗi quốc gia đưa ra một tiêu chuẩn để phân định nước khoáng radon khác nhau, căn cứ vào nồng độ Rn hòa tan trong nước. Có thể nêu ra đây một số quốc gia tiêu biểu(Bảng 1):

Bảng 1: Tiêu chuẩn Rn trong nước khoáng ở một số nước tiêu biểu

Quốc gia

Nồng độ Rn(nCi/l)

Tác giả, năm

Đức

1,3

Grunhut - 1911

Đức

18

Michel - 1968

Pháp

10

Giraud - 1968

Mỹ

1

Francon - 1963

Nhật

2

Mashiko - 1983

Tiệp Khắc(trước đây)

37

Standard - 1966

Ba Lan

2

Dowgiallo - 1974

Bungari

5

Serev - 1967

Hungari

1

Papp - 1957

Liên xô(trước đây)

3,6

Bách khoa thư - 1960

Liên xô(trước đây)

5

Quy phạm trữ lượng - 1977

Trong bảng trên, Curie là 1 đơn vị đo độ phóng xạ viết tắt là Ci( 1 Ci tương đương 37 tỷ phân rã trong 1 giây (s). 1 Ci = 109 nCi (nanoCi);

Nước khoáng radon từ lâu đã thu hút được sự quan tâm của các nhà địa chất thủy văn nước ta vì họ nhận thức được tính chất quý giá của loại nước khoáng này. Hơn 30 năm trước đây, một số tác giả đề xuất tiêu chuẩn phân định “nước khoáng Rn” với hi vọng sẽ tìm ra nó ở Việt Nam(Cao Thế Dũng-1974; Châu Văn Quỳnh-1976...). Tuy nhiên vào thời điểm ấy không thể thực hiện được ước muốn đó vì hai lẽ: Một là phương tiện phân tích của của chúng ta chưa cho phép xác định Rn trong nước, phương pháp luận nghiên cứu nước khoáng Rn cũng chưa được hiểu biết thấu đáo; hai là chúng ta chưa tiếp cận được một nguồn nước khoáng Rn thực sự nào.

Vì vậy mà nước khoáng Rn vẫn chỉ là một ước mơ của những nhà địa chất thủy văn có tâm huyết với nghề, với sự nghiệp phát triển nước khoáng Việt Nam. Để có thể mau chóng biến ước mơ thành hiện thực, đa số các nghiên cứu nước khoáng ở Việt Nam chỉ dám đặt ra giới hạn phân định nước khoáng Rn với hàm lượng Rn là 1 nCi/l. Con số này về sau được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Nhà nước đề nghị áp dụng năm 2000.

Năm 2000, Liên hiệp khoa học sản xuất (KHSX) địa chất-nước khoáng đã phối hợp với Sở khoa học, công nghệ và môi trường(KH,CN&MT) tỉnh Phú Thọ tiến hành nghiên cứu nguồn nước khoáng nóng Thanh Thủy. Nguồn nước khoáng này được đoàn địa chất 303 thuộc Cục địa chất và khoáng sản (Bộ công nghiệp) phát hiện vào năm 1982 nhờ lỗ khoan mang số hiệu LK101. Có một tài liệu chưa rõ xuất xứ nói rằng hàm lượng radi(Ra) trong nước là 14 pCi/l đã khiến chúng tôi chú ý đến nó.

Trong quá trình nghiên cứu nguồn nước khoáng nóng Thanh Thuỷ, chúng tôi đã áp dụng kỹ thuật "detector vết" để xác định hàm lượng Rn trong nước. Việc xác định hàm lượng được thực hiện tại Viện KHKT hạt nhân, Hà Nội.

Lần đầu (tháng 1/2001) chúng tôi tiến hành xác định Rn tại LK101 và một lỗ khoan ở gần (LK59). Kết quả thật sự gây bất ngờ: LK59 có hàm lượng Rn vượt quá tiêu chuẩn"nước khoáng radon". Chúng tôi quyết định nghiên cứu tiếp vào tháng 4/2001. Hướng lựa chọn là tìm Rn tại các trung tâm dị thường địa nhiệt, có nghĩa là tìm tại các đới đứt gãy kiến tạo. Chúng tôi lựa chọn 3 điểm: LK59, ở trung tâm dị thường địa nhiệt phía nam, đồng thời để kiểm tra kết quả lần trước; LK12, ở trung tâm dị thường địa nhiệt phía bắc và LK20, nằm ở khoảng giữa hai trung tâm địa nhiệt.

Kết quả phân tích được trình bầy ở 5 mẫu đầu, thứ tự từ 1 đến 5 trong bảng 3.

 Bảng 3. hàm lượng radon trong nước khoáng Thanh Thủy

TT

Ngày lấy mẫu

Số hiệu mẫu

Địa điểm

Hàm lượng (Bq/m3)

Hàm lượng (nCi/l)

1

18/01/2001

L101

LK101

3297±1434

0,065

2

T35

LK59

53305±3427

1,44

3

14/04/2001

1

LK12

218001±30605

5,89

4

2

LK59

149598±6879

4,04

5

3

LK20

18096±663

0,49

6

25/03/2002

N1

LK12

127841±10439

3,47

7

N2

LK14

12661±2187

0,34

8

N3

LK54

9492±1566

0,26

9

N4

LK61

180347±35306

4,89

10

N5

LK62

2755±1322

0,075

Kết quả không ngoài những dự đoán lý thuyết: Hàm lượng Rn ở trung tâm dị thường địa nhiệt cao hơn ở bên ngoài. Tuy nhiên có điều chúng tôi không ngờ tới là hàm lượng Rn ở LK12 lại cao hơn cả tiêu chuẩn "nước khoáng radon" của những quốc gia châu Âu " khó tính" ( họ đặt ra tiêu chuẩn 5nCi/l).

Kết quả phân tích nêu trong bảng 3 có một số đặc điểm:

Thứ nhất: Hàm lượng cao của Rn không phải ngẫu nhiên, mà nó được khẳng định bằng 3 mẫu phân tích.

Thứ hai: Kết quả dễ kiểm tra bằng mắt thường qua các tiêu bản detector vết chúng tôi còn lưu giữ.

Thứ ba: Một trong hai điểm có hàm lượng cao(LK59) đã được phân tích 2 lần để khẳng định nó cao thực sự chứ không phải tình cờ. Hai lần phân tích cho kết quả khác nhau đó là vì bản thân Rn là chất khí phóng xạ, cường độ phát tán của nó có thể thay đổi theo thời gian chứ không hoàn toàn cố định.

Thứ tư: Kết quả phân tích hoàn toàn phù hợp với lý thuyết nguồn gốc Rn. Nó được sinh thành từ các nguyên tố mẹ có trong các đá chứa phóng xạ, di chuyển lên theo các đứt gẫy kiến tạo và phát tán vào nước hoặc không khí bên trên. Nơi có hàm lượng Rn cao phải là nơi phải là nơi có mặt các đứt gãy kiến tạo. Những luận giải về quy luật phân bố nước khoáng tại mỏ Thanh Thuỷ đã chỉ ra: Tâm các dị thường địa nhiệt cao là nơi có mặt các đứt gãy kiến tạo. Chính vì vậy khi lấy mẫu tại tâm dị thường địa nhiệt cao, chúng tôi đã phát hiện được "nước khoáng Rn" thực thụ.

Để tiếp tục khẳng định những kết quả nghiên cứu của mình, năm 2002, chúng tôi lại tiến hành một đợt nghiên cứu hàm lượng Rn trong nước khoáng Thanh Thuỷ, cũng với phương pháp "detector vết" do Viện khoa học và kỹ thuật hạt nhân phối hợp thực hiện. Điểm nghiên cứu được lựa chọn bao gồm: 4 lỗ khoan ở dị thường địa nhiệt phía Bắc(các LK: 12,14,61,62) và 1 lỗ khoan ở dị trường địa nhiệt phía nam (LK54).

Trong số này có LK12 được nghiên cứu lại để đối sánh với kết quả nghiên cứu của năm trước. Kết quả nghiên cứu gồm 5 mẫu cuối trong bảng 3, thứ tự từ 6 đến 10. Kết quả nghiên cứu đợt này vẫn khẳng định những kết luận đã rút ra từ đợt nghiên cứu năm 2001. Lỗ khoan 12 vẫn có hàm lượng Rn cao vượt quá tiêu chuẩn nhiều. Có một phát hiện mới là LK61 nằm cách LK12 chừng 25 m về phía tây, có nhiệt độ cao hơn LK12 chút ít và có hàm lượng Rn cao hơn LK12.

Ba đợt nghiên cứu  tiến hành trong vòng hai năm đã giúp chúng tôi khẳng định sự hiện diện của “nước khoáng radon” tại mỏ nước khoáng nóng Thanh Thuỷ. Nước khoáng Rn phân bố tại hai trường dị thường, cách nhau 500 mét theo phương Bắc-Tây Bắc, trường dị thường Rn trùng với trường dị thường địa nhiệt tại mỏ.

Năm 2006 vừa qua, chúng tôi lại tiến hành một đợt khảo sát mới trên toàn bộ diện tích được dự đoán có phân bố nước khoáng radon. So với kết quả nghiên
cứu 5 năm trước thì sự phân bố nước khoáng nóng không biến động nhiều. Có một số thay đổi hình dáng các đường đẳng nhiệt do đã có thêm nhều gia đình khai thác nước khoáng tự phát để làm dịch vụ, gây nên sự dịch chuyển các đường đẳng nhiệt. Kết quả nghiên cứu mới được trình bầy trên bản đồ.

2. Đôi nét về giá tri nước khoáng radon

Về tác dụng, chúng tôi chỉ giới thiệu sơ lược một số tác dụng của nước khoáng Rn thông qua các liệu pháp sử dụng nó, mà không đi sâu vào vấn đề chỉ định và chống chỉ định của nước khoáng radon- vấn đề này cần được các chuyên gia y tế cùng phối hợp nghiên cứu trong một đề tài thích hợp.

Trên thế giới hiện nay có khoảng 250 viện điều dưỡng các loại có sử dụng nước khoáng phóng xạ mà chủ yếu là Rn. Tại những nơi đó, người ta sử dụng các liệu pháp khác nhau để chữa các bệnh như:

a/ Tắm ngâm, khi ngâm toàn thân hay từng bộ phận cơ thể trong nước khoáng này, Rn có thể xuyên qua da, xâm nhập vào máu và truyền đến tận tế bào. Liệu pháp này cho hiệu quả rất tốt khi chữa các bệnh về tim mạch, cơ khớp, hệ thần kinh ngoại vi.

b/Liệu pháp uống. uống nước khoáng Rn với liều lượng thích hợp có tác động mạnh lên cơ thể do đưa được nhiều lượng Rn vào trong máu, hấp thụ được nhiều năng lượng bức xạ hơn liệu pháp tắm ngâm .Radon trong nước giúp giúp cho sự thay đổi chức năng, tăng cường hoạt động tiết dịnh vị, tăng cường hoạt động của dạ dày, cải thiện sự trao đổi lipit....

c/Liệu pháp xông hít, có hiệu quả đối với các bệnh về hô hấp, tuần hoàn...

d/ Bơm thụt, người ta thụt, ép nước khoáng Rn thẳng vào trực tràng để điều trị các bệnh đường ruột

e/Bơm tưới âm đạo, dùng nước khoáng Rn bơm rửa để chữa một số các bệnh đường sinh dục nữ

g/ Đắp bùn, những nơi có bùn khoáng chứa Rn người ta có thể đắp bùn toàn thân hay đắp từng bộ phận cơ thể để chữa các loại bệnh về cơ khớp, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, da liễu...

Trong bảng 2 chúng tôi giới thiệu một số viện điều dưỡng nước khoáng Rn nổi tiếng trên thế giới.

Bảng2. Một số nguồn nước khoáng Rn trên thế giới.

Quốc gia

Tên nguồn

Hàm lượng Rn (nCi)

Tác dụng chữa bệnh

Nga

Piatigorxk

13,6

Cơ khớp, thần kinh, da liễu, phụ khoa, tiêu hóa, gan, tim mạch

Gruzia

Tskhaltub

2,4

Tim mạch, cơ khớp, thần kinh ngoại vi

Ukraina

Khmelnik

98

Cơ khớp, khần kinh ngoại vi, tim mạch.

Kazakhtan

Kanalarasan

3,6

Cơ khớp, tim mạch, thần kinh, tiêu hóa.

Đức

Nauhelm

9,4

Tim mạch, cơ khớp, thần kinh, tiêu hóa

3. Một số kiến nghị

 Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, chúng tôi tìm ra nước khoáng radon thực thụ. Phát hiện này chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu nước khoáng ở nước ta. Từ phát hiện đầu tiên này, chúng ta sẽ chú ý hơn đến những vùng có điều kiện địa chất, địa chất thuỷ văn tương tự để tìm ra các nguồn nước khoáng radon khác nữa.

Phát hiện này cũng sẽ mở ta một hướng mới trong công tác điều trị, điều dưỡng bằng nước khoáng của ngành y tế. Như đã nói trên, nước khoáng radon có giá trị chữa bệnh rất tốt mà không loại nào khác có được, do vậy việc nhanh chóng đưa nguồn nước khoáng này vào khai thác sử dụng là một đòi hỏi chính đáng của xã hội. Mong rằng trong một tương lai không xa, các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ và Trung ương sẽ có những đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu nước khoáng Rn ở mỏ Thanh Thủy.

Một  vấn đề nữa cần phải được nhắc đến là việc bảo vệ nguồn tài nguyên quí giá này. Theo những kết quả điều tra của chúng tôi thì số lượng lỗ khoan gặp nước khoáng nóng do dân tự khoan đã lên đến con số hơn 200 giếng khoan. Lượng nước khai thác lên hàng ngày là một con số chưa một cơ quan chức năng nào kiểm soát được. Một số cơ quan nhà nước khai thác nước khoáng phục vụ các mục tiêu xã hôi rất chính đáng nhưng cũng không xin giấy phép khai thác từ cơ quan quản lý tài nguyên. Những việc đó gây nên tình trạng lộn xộn trong việc khai thác nguồn nước khoáng này. Hệ quả của nó là việc bảo vệ nguồn nước khoáng quý giá đang bị bỏ ngỏ. Hậu quả tai hại của việc không bảo vệ nguồn nước khoáng thì ai trong chúng ta cũng có thể hình dung ra được.  Từ diễn đàn này, chúng tôi nhân danh những người đi tìm tài nguyên cho đất nước tha thiết mong mỏi các cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc để bảo vệ một nguồn tài nguyên rất quý giá của Tổ Quốc.      

TÀI LIÊU THAM KHẢO

1. Lê Tứ Hải và nnk, 2001. Báo cáo kết quả thăm dò nước khoáng Thanh Thủy- Phú Thọ. Lưu trữ địa chất, Hà Nội.

2. Cao Thế Dũng, Lê Tứ Hải, 2002. Phát hiện nước khoáng radon ở Việt Nam. Tạp chí hoạt động khoa học sè 10/2002 . Bộ Khoa học và công nghệ.

3. Cao Thế Dũng, Võ Công Nghiệp, 2003. Thêm một nguồn nước khoáng quí giá. Báo Khoa học và đời sống số 18.

                                                                                                                

                                                                                                                         

                                                                                                                               

                                                                                                                             

                                                                                                                                          

                                                                                                                          

                                                                                                                                                                                                                      

Search

Search