Nghiên cứu khoa học ứng dụng

ĐẢO DU LỊCH KHÔNG CÒN KHÁT NƯỚC NGỌT

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Bài viết cho Kỷ yếu Tổng hội Địa chất

ĐẢO DU LỊCH

KHÔNG CÒN KHÁT NƯỚC NGỌT

Cuối thế kỉ XX, tôi được một người bạn ở Hải Phòng mời ra thăm đảo Cát Bà, hòn đảo du lịch nổi tiếng. Qua một đêm trên đảo, sáng ra đánh răng cứ thấy lợm giọng. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, tôi nghĩ thầm trong bụng nước máy ở đây có khoáng hóa không dưới 4 – 5g/lít. Cũng nghĩ thầm trong bụng: mình thề sẽ không đến đây lần thứ hai nếu không có nước ngọt sinh hoạt. Nhưng đảo giữa biển thì lấy đâu ra nước ngọt ???

Tình cờ làm sao, mấy năm sau đơn vị mình được ngành du lịch Hải Phòng giao cho dự án: thăm dò đánh giá trữ lượng nước ngầm với yêu cầu 10.000 m3/ngày. Làm một chuyến du ngoạn quanh đảo, rồi mua ảnh vệ tinh về xem, mấy anh em nhận thấy đảo có tiềm năng nước ngọt. Thế là hạ quyết tâm nhận lời với Hải Phòng tìm bằng được nước ngọt để phát triển du lịch cho hòn đảo xinh đẹp này.

Biết được việc này, một vị Tiến sỹ của một trường đại học chuyên ngành đã khuyến cáo: đảo Cát Bà thì lấy đâu ra 10.000 m3/ngày nước ngọt ! Bằng quyết tâm cao, cùng với những nhận xét trực quan, cộng thêm chút dự cảm nghề nghiệp, các cán bộ khoa học của Liên hiệp vẫn lao vào nhiệm vụ cực kì mạo hiểm này.

Bao nhiêu khó khăn đặt ra trước mắt: đưa máy khoan và máy nén khí ra đảo bằng cách nào? Thi công làm sao mà không đụng chạm với Vườn Quốc gia? Rừng cây được bảo tồn nghiêm ngặt, rất rậm rạp, làm sao đo địa vật lý được đây? Khó khăn là thế, nhưng anh em cán bộ, công nhân vẫn cố gắng vượt qua tất cả.

Một lần đang đi lộ trình, kĩ sư Tuấn thấy một con rắn lục đang ngo ngoe trên cành cây trước mắt. Đành im lặng đứng nhìn nó bỏ đi rồi lại tiếp tục hành trình.

Một lần đang đi tìm cọc địa vật lý để xác định điểm khoan, bác Dung bị một cái gai to, dài 7cm đâm thủng cả dép, xuyên vào chân. Cắn răng nhổ ra rồi tiếp tục nhiệm vụ khảo sát.

Một lần đang khoan ở thung lũng Khe Sâu, gặp cơn mưa lớn nước dâng rất nhanh, công nhân chỉ còn biết chạy lấy người lên chỗ cao ráo. Máy khoan bị ngập hết, chờ 2 ngày nước rút mới tháo ra lau chùi, bảo dưỡng, rồi khoan tiếp.

Một lần Tổng Giám đốc Liên hiệp phải “chui rừng” tìm vị trí của đứt gãy kiến tạo đã xác định trên bản đồ, để cho nhóm địa vật lý đo. Mấy ngày trước trời mưa, đi trên đường trục thì khô ráo, nhưng khi cắt rừng vào cách vị trí đứt gãy nửa cây số thì mới biết nước chưa rút. Chẳng lẽ quay về, chờ đến bao giờ nước rút? Thế là cứ phải lội nước vào tìm. Nước cứ sâu dần cho đến ngang ngực, cóc nhái rắn rết bơi tung tăng xung quanh! Cuối cùng cũng tìm được vị trí cần đo.

Kể ra thì không bao giờ hết những khó khăn anh em cán bộ, công nhân của Liên Hiệp đã phải đương đầu.

Sau bao nhiêu gian khó, cuối cùng đã khoan ra đủ  lượng nước yêu cầu. Giai đoạn đầu tìm được 3.000 m3/ngày; giai đoạn 2 tìm được 7.000 m3/ngày. Bằng những tính toán giải tích, bằng mô hình số chạy trên computer, con số trữ lượng này được chứng minh là đúng đắn, đảm bảo khai thác lâu dài và không hề bị nhiễm mặn từ nước biển bao bọc xung quanh đảo. Hội đồng xét duyệt Báo cáo của Cục Quản lý tài nguyên nước đã thông qua báo cáo.

Thế nhưng khoan ra nước ngọt cho đảo mà đã xong đâu. Một ngày cuối năm 2004, đơn vị nhận được một cú điện thoại từ Nhà máy nước Cát Bà: giếng số 5 hôm qua bơm lên rất nhiều cát! Giật mình, cả tập thể lục tìm tài liệu khoan, thiết kế chống ống. Mấy ngày trời trăn trở mà chưa có lời giải đáp.

May sao, tình cờ gặp cô Phó Giám đốc Nhà nghỉ Công đoàn Kim Bôi, cô kể “Hôm nọ cái giếng nước khoáng mà anh thiết kế năm 1973 tự nhiên không có nước nữa, toàn thấy bùn đất phun lên bẩn hết giếng. Tụi nhân viên sợ quá, gọi em ra xem. Em cũng chẳng biết sao, định gọi điện hỏi anh. Thế nhưng đến tối xem tivi thấy có tin động đất, sóng thần ở Ấn Độ dương, chết hàng bao nhiêu nghìn người. Nhớ những lần anh nói chuyện cho em về các đứt gãy địa chất, em nghĩ có lẽ việc của mình cũng do ảnh hưởng động đất bên ấy. Sáng sau lại thấy nước khoáng phun lên bình thường, thế là thôi không gọi cho anh nữa”.

Mình mừng như bắt được vàng!! Cú cựa mình của vỏ Trái đất sáng ngày 26/12 năm 2004 đã làm cả vùng Đông Nam Á bị vạ lây. Các đứt gãy nhỏ khắp vùng  không tránh khỏi ảnh hưởng. Cát Bà, Kim Bôi, và còn ở đâu nữa, không biết có nhà kiến tạo học nào để tâm tìm hiểu chưa ?

Thế là mình bảo anh em gọi điện xuống Cát Bà: “Các ông cứ yên tâm mà bơm nước đi, hôm nay còn thấy cát lên thì ngày mai chúng tôi khoan đền cho cái giếng khác”. Đầu dây bên kia: cát hết ngay tối hôm ấy anh ạ!!

Mấy năm đã trôi qua rồi. Đảo du lịch Cát Bà đã có đủ nước ngọt phục vụ cho du lịch và sinh hoạt của bà con.

Mình cũng yên tâm xóa bỏ lời nguyền không ra đảo. Vẫn bảo các con, cháu: cứ ra Cát Bà du lịch đi, ngoài ấy đủ nước ngọt cho sinh hoạt và tắm tráng đấy!

TS Cao Thế Dũng

Nguyên Tổng Giám đốc

Liên hiệp Khoa học Địa chất nước khoáng

 

bom thoi rua dao Cat Ba

Ảnh: Bơm rửa lỗ khoan nước ngọt trên đảo Cát Bà

Search