Quy phạm hút nước thí nghiệm trong điều tra địa chất thủy văn

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Chương I

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Điều 1. Các  dạng hút nước - ý nghĩa mục đích

Hút nước là một dạng công việc bắt buộc của công tác thí nghiệm-thấm nhằm nghiên cứu điều kiện địa chất thuỷ văn của các tầng chứa nước.

Hút nước là phương pháp lấy nước lên một cách cưỡng bức từ các lỗ khoan, giếng, điểm lộ, hầm mỏ gây nên sự biến dạng trường thấm tự nhiên (mực nước, tốc độ...).

Hút nước tiến hành bằng phương pháp tự chảy được gọi là "xả nước".

Theo ý nghĩa mục đích của hút nước người ta chia ra các dạng hút nước sau: hút thử, thí nghiệm, khai thác thí nghiệm.

1- Hút thổi rửa là dạng được tiến hành nhằm làm sạch mùn khoan, dung dịch khoan và các vật chất lấp nhét trong lỗ hổng, khe nứt, ống lọc, đảm bảo sự lưu thông bình thường của nước từ tầng chứa nước vào công trình thí nghiệm

2-Hút khai trương (sơ bộ) được tiến hành nhằm kiểm tra sự phù hợp của thiết kế với điều  kiện tự nhiên thực tế của tầng chứa nước và cấu trúc lỗ khoan, giếng, điểm lộ... cụ thể và chỉnh lại thiết kế (nếu cần) đảm bảo cho hút thử, thí nghiệm, khai thác-thí nghiệm đạt yêu cầu.

3- Hút thử là dạng được tiến hành nhằm đánh giá sơ bộ độ giàu nước, tính chất chứa và thấm nước của đất đá chứa nước, chất lượng nước dưới đất, cho ta đặc trưng so sánh các khoảnh khác nhau của tầng chứa nước.

4 - Hút thí nghiệm là dạng được tiến hành nhằm:

- Xác định độ giàu nước (lưu lượng) của tầng chứa nước.

- Xác định các thông số địa chất thuỷ văn của các tầng chứa nước (hệ số thấm, độ dẫn nước, hệ số truyền áp, truyền mực nước, hệ số phóng thích, thấm xuyên, bán kính ảnh hưởng dẫn dùng, tổng lực cản của trầm tích lòng sông); các thông số dịch chuyển của nước dưới đất.

- Nghiên cứu điều kiện biên của các tầng chứa nước trên bình đồ và lát cắt (quan hệ nước dưới đất với nước mặt, tác động tương hỗ của các tầng chứa nước kề liền ).

- Xác định mối quan hệ giữa lưu lượng và mực nước hạ thấp; xác định lực cản thuỷ lực ở đới gần lỗ khoan; bước nhảy mực nước; hiệu suất lỗ khoan.

Tuỳ thuộc  vào giai đoạn nghiên cứu, điều kiện địa chất thuỷ văn và phương pháp đánh giá trữ lượng khai thác nước dưới đất mà hút nước thí nghiệm nhằm giải quyết  một hay vài nhiệm vụ kể trên. Căn cứ vào số lượng lỗ khoan hút nước, sơ đồ  bố trí và cấu trúc các lỗ khoan, số bậc hạ thấp và mục đích của hút nước để chia ra các loại sau:

a) Hút thí nghiệm đơn là hút nước không có lỗ khoan quan sát.

b) Hút thí nghiệm chùm là hút nước khi có lỗ khoan quan sát (bao gồm cả hút nước thí nghiệm có thả chất chỉ thị).

c) Hút thí nghiệm nhóm là dạng hút nước thí nghiệm được tiến hành đồng thời từ 2 lỗ khoan hút nước trở lên.

d) Hút phân đoạn là dạng hút nước tiến hành thí nghiệm một đoạn nào đó của tầng chứa nước.

e) Hút thí nghiệm với 1 bậc lưu lượng (hạ thấp) là hút nước mà suốt thời gian thí nghiệm chỉ có một giá trị lưu lượng hay một giá trị mực nước hạ thấp.

f) Hút thí nghiệm nhiều bậc lưu lượng là hút thí nghiệm với nhiều đợt mà mỗi đợt có một giá trị lưu lượng ( hay mực nước hạ thấp ).

g) Hút thí nghiệm giật cấp cũng là dạng hút nước nhiều bậc lưu lượng nhưng với  thời lượng rất ngắn.

5 - Hút khai thác -  thí nghiệm là dạng hút nước nhằm xác định bằng con đường thực nghiệm qui luật thay đổi mực nước (lưu lượng) và chất lượng nước dưới đất (cả nước khoáng, nước nóng). 

Search