Nghiên cứu khoa học ứng dụng

CÂU CHUYỆN THUỶ TRIỀU, VẤN ĐỀ NGĂN MẶN GIỮ NGỌT Ở ĐBSCL VÀ CHỐNG NGẬP Ở TP.HCM

Bạn đánh giá: 5 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lực
 

CÂU CHUYỆN THUỶ TRIỀU, VẤN ĐỀ NGĂN MẶN GIỮ NGỌT Ở ĐBSCL VÀ CHỐNG NGẬP Ở TP.HCM

(Tút hơi dài, nhưng bất kỳ nông dân nào cũng hiểu, chỉ các quan chức là không muốn hiểu)

Thuỷ triều là hiện tượng tự nhiên không ai chống lại được. Nó có lợi hay có hại còn tuỳ vào khả năng hiểu biết để tận dụng và né tránh của con người. Từ lâu nhân loại đã biết tận dụng hoặc né tránh thuỷ triều trong sản xuất nông nghiệp, trong giao thông đường thuỷ, làm thuỷ điện. Việt Nam còn biết tận dụng thuỷ triều trong đánh giặc. Ba trận thuỷ chiến trên sông Bạch Đằng thắng quân Nam Hán, thắng Tống và thắng quân Nguyên-Mông vang danh sử sách đều có tận dụng thuỷ triều trong nghệ thuật quân sự của cha ông ta.

1- Sông Mekong dài trên dưới 4.500 km bắt nguồn từ vùng núi cao Tây Tạng chảy qua Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, từ Việt Nam đổ ra Biển Đông. Việt Nam gọi nó là Cửu Long giang.

Như tên gọi, sông Cửu Long có 9 cửa (trong thực tế còn 8 cửa), với tổng chiều rộng gấp khoảng 15 lần chiều rộng sông Mekong đoạn từ cao nguyên chảy xuống đồng bằng. Vì sao các cửa sông lại rộng “đột biến” so với dòng sông ? Ấy là do khi nước sông đổ ra biển thường bị thủy triều đẩy ngược lên và tạo xâm thực ngang khi triều xuống.

Từ bao đời nay, những cơn lũ ở ĐBSCL thường kéo dài là do nước sông bị thủy triều dội ngược nên chậm đổ ra biển, nhưng đồng bào ta ta vẫn có thể thích nghi “sống chung với lũ”. Mỗi một trận lũ như vậy đồng bằng được phù sa tiếp tục bồi đắp. Đối với hiện tượng đồng bằng bị xâm mặn, từ bao đời nay cũng không thành vấn đề gì. Đồng bào ta vẫn thích nghi và khai thác những lợi ích từ những vùng ngập mặn. Không hiểu thuỷ triều mà làm khôn chống mặn mới sinh tai hoạ.

Giờ thì tình trạng ngập mặn đã xâm nhập sâu, có lúc sâu đến 100 km vào đồng bằng. Lũ ít đi, phù sa bồi đắp cũng ít đi. Thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Nó không phải là do “biến đổi khí hậu” mà truyền thông suốt ngày nói tào lao, mà là do 500 cái đập thuỷ điện giăng kín từ thượng nguồn trở xuống của mấy bạn vàng bạn bạc từ Trung Quốc đến Lào, Miên, Xiêm, Miến. Mỗi anh chặn một khúc sông, chặn nhiều nhất là anh bạn “16 chữ vàng”. Nếu như mấy anh trên kia không chịu xả nước thì nước mặn xâm nhập sâu hơn, rộng hơn ở ĐBSCL, một vùng đồng bằng trù phú sẽ có nguy cơ bị huỷ diệt. Nếu như mấy anh trên kia đồng loạt xả nước thì ĐBSCL sẽ bó tay với những cơn đại hồng thuỷ. Toàn bộ các công trình ngăn mặn, giữ nước ngọt và chống lũ ở ĐBSCL 100 năm qua đang trở thành vô dụng.

Phải có một chương trình hợp tác đa quốc gia trong khai thác và bảo vệ sông Mekong. Nhưng một chương trình như vậy không bao giờ công bằng đối với những nước nhỏ, nhất là một nước nhỏ ở cuối con sông như nước ta, nếu như không trả giá bằng thoả hiệp chánh trị, thậm chí phải trả giá bằng chủ quyền lãnh thổ. Ta đang trở thành một quốc gia thân bất do kỷ chăng ?

2- Tình trạng đường phố biến thành sông ở TP.HCM ngày càng trở nên trầm trọng. Các giải pháp chống ngập đi kèm các dự án tiêu tốn không biết bao nhiêu là tiền của nhưng hoàn toàn không có tác dụng cải thiện gì. Chỉ một trận mưa ngắn là ngập, không mưa cũng ngập do triều cường. Tần suất ngập chỉ có tăng không có giảm.

Trong khi một loạt các dự án chống ngập khác không mang lại kết quả gì thì dự án chống ngập 10 ngàn tỷ triển khai 5 năm rồi, nhưng dừng không dừng được mà triển khai tiếp cũng không xong, báo của Chính phủ mới đây đưa tin “Hàng ngàn tỷ đồng thiết bị nằm phơi mưa nắng”. Có quá nhiều lời hứa hẹn, nhưng nó đã bị tạm dừng 3 lần. Nếu như dự án này hoàn thành và đưa vào vận hành, nó có chống được ngập hay không thì câu trả lời vẫn đang ở phía trước.

Nhìn vào quá trình thi công, ta thấy dự án ngăn triều gồm 6 cống : Cây Khô, Mương Chuối, Phú Xuân (huyện Nhà Bè), Bến Nghé (quận 1), Tân Thuận (quận 7), Phú Định (quận . Mỗi cống chặn hết chiều ngang con sông bằng các cửa van nặng hàng trăm tấn, có cống cửa van nặng tới 430 tấn. Có ít nhất 3 vấn đề đặt ra xung quanh những cái cống này :

Thứ nhứt, muốn ngăn triều tràn vào TP.HCM phải chặn ít nhất là 20 cống. Chặn 6 cửa, nếu thành công cũng chỉ giải quyết tình trạng ngập một phần phía đông nam thành phố. Cho nên, dù dự án thành công mỹ mãn thì TP.HCM vẫn cứ ngập như thường.

Thứ hai, nền đất dưới các cửa sông rất yếu. Theo tài liệu cổ địa chất thì lớp đất này dày đến 6-7 mét mới được trầm tích từ cách nay 2300 năm trong quá trình biển tiến, lớp đất dưới nữa tuy trầm tích lâu hơn nhưng cũng vẫn là đất yếu. Xử lý nền đất này để lắp đặt một hệ thống thiết bị nâng lên hạ xuống đồ sộ nặng hàng trăm hàng ngàn tấn là vô cùng tốn kém mà chưa chắc có hiệu quả. Những công trình với kỹ thuật tương tự vẫn được nhiều nước áp dụng, như Hà Lan hay Nga, nhưng người ta đã xử lý nền móng rất kỹ với thời gian thi công kéo dài rất nhiều năm và giá thành rất cao. Thực tế của họ rất khác Việt Nam nên mang về áp dụng ở Việt Nam sẽ thất bại.

Thứ ba, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng thì sự vận hành nâng lên hạ xuống những cái van nặng hàng trăm tấn này cũng vô cùng tốn kém, nếu như bị sụt lún thì toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ. Vừa rồi, một số nhà khoa học lên tiếng, nếu như hệ thống cống này mà dừng thi công thì sẽ gây ra sạt lở. Nói vậy thì nếu như công trình hoàn thành thì có gây sạt lở hay không, chưa thấy ai dám chắc.

Tóm lại, dự án 10 ngàn tỷ đã trễ hẹn 4 năm và đang tiếp tục hứa. Nhưng dù có hoàn thành thì thành phố vẫn tiếp tục bị ngập và sẽ tiếp tục bị ăn chửi.

3- Tôi đã nhiều lần trao đổi với tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ, một nhà khoa học uyên bác thiện lương mà tôi tin tưởng. Đối với câu hỏi ở phần 1, ông nói ta hoàn toàn có thể độc lập “thoát Trung” trong vấn đề sông Mekong. Đối với vấn đề chống ngập ở TP.HCM, ông đã từng đề xuất làm theo phương án khác hiệu quả hơn, với mức tốn kém ít hơn từ 10-20 lần so với cách hiện nay.

Tiến sĩ Kỷ từng là giám đốc kiêm chủ nhiệm nhiều phương án nghiên cứu đo vẽ bản đồ địa chất Đệ Tứ đồng bằng Việt Nam, ông còn là đại diện Việt Nam tham gia nghiên cứu các đề tài địa chất Đệ Tứ khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Chương trình Liên kết địa chất quốc tế (IGCP 218 và IGCP296) và đề tài Khí hậu trong quá khứ CLIP của UNESCO. Những kết quả nghiên cứu về địa chất và môi trường Đệ Tứ của ông hơn 30 năm qua đều là những vấn đề mới thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế, không những có giá trị ứng dụng đối với việc quy hoạch phát triển kinh tế và đối phó với thảm hoạ môi trường, đối với việc khai khoáng, mà còn có ý nghĩa đối với khoa học lịch sử, đối với văn hóa, xã hội. Ông từng được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cùng với tập thể một số nhà địa chất.

Ông là một trong những người hiểu đất nước (Đất và Nước) của mình nhiều nhất, nhiều vấn đề ông hiểu như hiểu vườn nhà của ông, trong quá khứ và trong hiện tại. Năm nay 87 tuổi, ông dành những năm tháng cuối cùng của đời mình để nghiên cứu vấn đề thuỷ triều và các biện pháp thích nghi, đối phó.

Cách đây 6 năm, ông có gửi cho tôi một tài liệu. Đó là công trình nghiên cứu “Đâp mở chặn thuỷ triều và giữ nước sông” với mục đích phòng chống thảm hoạ môi trường tự nhiên và phục vụ sản xuất, dân sinh trên đồng bằng và đô thị ven biển. Nghiên cứu của ông đọc rất dễ hiểu, bất cứ người nông dân nào sống ở khu vực có triều cường đều có thể hiểu được. Ông khiêm tốn nói, đó chính là cách mà bao đời nay người nông dân đối phó với thuỷ triều.

Tôi hỏi ông sao không gửi cho TP. HCM (lúc đó ông Đinh La Thăng đang làm Bí thư Thành uỷ), ông bảo có gửi và người ta có tổ chức hội thảo, nhưng không một vị lãnh đạo nào đến dự, mặc dù nhiều nhà khoa học đánh giá là khả thi, nhưng Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nói rằng vì công trình của ông “chưa có số liệu tính toán cụ thể về Tiêu chuẩn kỹ thuật đơn giá định mức và chưa áp dụng rộng rãi”, nên đề nghị ông liên hệ với Sở Khoa học công nghệ “đăng ký thực hiện đề tài”. Coi như người ta đã lịch sự xếp xó. Sau đó họ đã triển khai dự án chống ngập 10 ngàn tỷ.

Tôi đề nghị ông gửi cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông đã gửi, Thủ tướng nhận được và giao cho 3 Bộ nghiên cứu. Các Bộ đã có thư trả lời ông, hoan nghênh các giải pháp khoa học của ông, nhưng công trình vẫn bị xếp xó.

Công trình của ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế độc quyền, được tặng thưởng Best inventor 2018 (Giải phát minh xuất sắc nhất, cuộc thi do Bộ Khoa học Công nghệ VN và Hàn Quốc phối hợp tổ chức). Sau khi được cấp bằng sáng chế và được tặng giải thưởng, ông lại gửi toàn bộ công trình đã hoàn thiện cho các cơ quan nói trên, nhưng họ vẫn im lặng, im lặng cho đến ngày nay.

Ai cũng biết dòng sông chảy xuôi là do sức hút của trái đất, còn thuỷ triều chảy ngược là do lực hấp dẫn của mặt trăng và một phần của mặt trời. Khi lực chảy của dòng sông và lực đẩy của thuỷ triều cân bằng thì nước mặn không lên được. Vấn đề là tại sao trong mùa lũ nước sông chảy rất mạnh nhưng thuỷ triều vẫn lên ? Tiến sĩ Kỷ nói, là do các cửa sông quá rộng nên không ngăn được thuỷ triều. Ông bảo ông quan sát kinh nghiệm dân gian, người ta tận dụng các nhánh sông và đắp thành đập để giữ nước với cống thoát nước nhỏ, nước sông vẫn chảy qua những cái cống đó nhưng thuỷ triều không lên được.

Là một nhà khoa học uyên thâm, nhưng đề xuất của tiến sĩ Kỷ lại vô cùng dễ hiểu. Ông bảo, trong điều kiện của Việt Nam, việc chặn thuỷ triều bằng những đập kín là không thể và không cần thiết. Chỉ cần thu hẹp các cửa sông để cho lực chảy của dòng sông mạnh hơn lực đẩy của thuỷ triều là đủ.

Đối với ĐBSCL, phương án của ông là dùng đập mở điều điều hoà dòng nước. Những cái đập mở này làm bằng xà lan (bằng bê tông cốt thép rỗng) có thể xê dịch dễ dàng, không cần phải xử lý nền móng tốn kém. Hệ thống xà lan này bền lâu hơn nhiều so với những tấm thép. Khi thuỷ triều lên, dùng sà lan thu hẹp cửa sông lại, dùng sức nước của chính con sông để ngăn thuỷ triều. Khi thuỷ triều xuống, dùng các xà lan này để điều tiết dòng chảy của con sông. Khi lũ lụt, mở rộng cửa sông để thoát nước, muốn thoát nhanh hay thoát chậm tuỳ nhu cầu. Khi hạn hán, thu hẹp cửa sông lại nhằm hạn chế dòng chảy để giữ nước chống hạn. Nếu dùng biện pháp này, dù mấy anh ban vàng bạn bạc phía trên dòng Mekong có đồng loạt chặn dòng hay đồng loạt xả nước thì nước ta vẫn không bị ảnh hưởng. Thuyền bè vẫn qua lại bình thường, không cần có âu thuyền gì cả.

Hệ thống đập mở không chỉ kiểm soát được thuỷ triều, giữ nước ngọt, tăng phù sa cho đất mà còn có thể kiểm soát sâu bệnh đối với lúa và hoa màu, ví dụ có thể cho triều dâng đột ngột và rút đột ngột để kiểm soát sâu bệnh. Và tùy theo từng khu vực dựa vào mức độ chênh lệch của sông và thủy triều, có thể kết hợp xây hệ thống phát điện năng trên Đập Mở, thu điện năng mặt trời trên xà lan hay làm điện gió trên bờ đập.

Đối với TP.HCM, việc chặn triều cường cũng thực hiện theo nguyên lý tương tự bằng đập mở. Chặn 6 cửa kênh bằng đập kín là vô cùng tốn kém nhưng không chống được triều cường. Nhưng dùng đập mở có thể làm co giãn tất cả các cửa kênh để ngăn triều hiệu quả mà không ảnh hưởng gì đến sự qua lại của tàu bè. Sử dụng hệ thống đập mở tại TP.HCM không chỉ có tác dụng ngăn triều mà còn có thể biến các kênh rạch thành hồ chứa nước cho mục đích dân sinh khác.

Đó là phát kiến mới của tiến sĩ Kỷ sau hàng chục năm nghiên cứu thuỷ triều. Những giải pháp đó bất kỳ người nông dân nào cũng hiểu, nhưng các cơ quan chức năng thì không ai chịu hiểu.

Ông mong giải pháp của ông được mang ra thí điểm để chứng minh hiệu quả, nhưng sự mong chờ là vô vọng. Ông vừa giao lại công trình này và những công trình khoa học khác của ông cho “Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam" lưu giữ để “chuẩn bị đi xa”, sau này ai muốn dùng thì dùng. Ông đã quá già để có thể chờ đợi.

Điều đáng buồn là ông đã gửi tài liệu cho các lãnh đạo nhiệm kỳ trước như ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Thiện Nhân nhưng không một ai trả lời, thậm chí một lời cám ơn xã giao cũng không có. Còn lãnh đạo nhiệm kỳ này, ông nhiều lần tìm cách liên hệ với Bí thư Nguyễn Văn Nên, nhưng không một ai để ông tiếp cận. Ông chỉ muốn gửi cho họ những nghiên cứu của ông thôi chứ không hề xin xỏ gì, mà khó còn hơn lên trời.

Ai cần tìm hiểu, có thể gọi điện thoại cho ông : 0909342467. Đó là số mà ông đề nghị tôi ghi lại đây. Ông cần chia sẻ, ai không quan tâm không nên làm phiền. Nghĩ đến tâm huyết của ông mà ứa nước mắt !

HOÀNG HẢI VÂN

Update : Sau khi đọc bài viết trên đây trên facebook, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã gọi điện thoại cho tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ. Thực sự là ông Nên không biết có chuyện bác Kỷ gửi đề xuất cho lãnh đạo TP.HCM, vì lúc đó ông chưa về công tác ở thành phố, đọc bài viết này ông mới biết. Ông Nên nói sau khi họp Quốc Hội ông sẽ đọc công trình của bác Kỷ và sẽ gặp bác Kỷ để trao đổi nhiều hơn. Bác Kỷ nói bác rất cảm động về cuộc nói chuyện. Xin cám ơn sự chân thành tử tế của Bí thư Nguyễn Văn Nên. (HHV)

anh1 14.11

Nguồn: Hoàng Hải Vân - CÂU CHUYỆN THUỶ TRIỀU, VẤN ĐỀ NGĂN MẶN GIỮ... | Facebook

Search