QCVN 63:2017/BTNMT
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ NƯỚC THẢI CHẾ BIẾN TINH BỘT SẮN
National Technical Regulation on effluent discharged from the cassava starch processing factories
Lời nói đầu
QCVN 63:2017/BTNMT do Tổng cục Môi trường biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được ban hành theo Thông tư số 31/2017/TT-BTNMT ngày 27 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ NƯỚC THẢI CHẾ BIẾN TINH BỘT SẮN
National Technical Regulation on effluent discharged from
the cassava starch processing factories
1. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn này quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải chế biến tinh bột sắn khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải.
1.2. Đối tượng áp dụng
1.2.1. Quy chuẩn này áp dụng riêng cho nước thải chế biến tinh bột sắn. Mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xả thải nước thải chế biến tinh bột sắn ra nguồn tiếp nhận nước thải tuân thủ quy định tại quy chuẩn này.
1.2.2. Nước thải chế biến tinh bột sắn xả vào hệ thống thu gom của nhà máy xử lý nước thải tập trung tuân thủ theo quy định của đơn vị quản lý và vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung.
1.3. Giải thích thuật ngữ
Trong quy chuẩn này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.3.1. Nước thải chế biến tinh bột sắn (khoai mỳ, củ mỳ) là nước thải phát sinh từ hoạt động chế biến ra tinh bột sắn mà không trộn lẫn các loại nước thải khác của cơ sở chế biến tinh bột sắn.
1.3.2. Cơ sở mới là nhà máy, cơ sở chế biến tinh bột sắn hoạt động sản xuất sau ngày quy chuẩn này có hiệu lực thi hành, bao gồm cả các cơ sở đang trong quá trình xây dựng và đã được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Cam kết bảo vệ môi trường, Đề án bảo vệ môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường trước ngày quy chuẩn này có hiệu lực thi hành.
1.3.3.Cơ sở đang hoạt động là nhà máy, cơ sở chế biến tinh bột sắn hoạt động sản xuất trước ngày quy chuẩn này có hiệu lực thi hành.
1.3.4. Nguồn tiếp nhận nước thải là: hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp; sông, suối, khe, rạch, kênh, mương; hồ, ao, đầm; vùng nước biển ven bờ có mục đích sử dụng xác định.
2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
2.1. Giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải chế biến tinh bột sắn khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải
2.1.1. Giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải chế biến tinh bột sắn khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải được tính theo công thức sau:
Cmax = C x Kq x Kf
Trong đó:
- Cmax là giá trị tối đa cho phép của thông số ô nhiễm trong nước thải chế biến tinh bột sắn khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải;
- C là giá trị của thông số ô nhiễm trong nước thải chế biến tinh bột sắn quy định tại mục 2.2;
- Kq là hệ số nguồn tiếp nhận nước thải quy định tại mục 2.3 ứng với lưu lượng dòng chảy của sông, suối, khe, rạch, kênh, mương; dung tích của hồ, ao, đầm; mục đích sử dụng của vùng nước biển ven bờ;
- Kf là hệ số lưu lượng nguồn thải quy định tại mục 2.4 ứng với tổng lưu lượng nước thải chế biến tinh bột sắn khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải.
2.1.2. Áp dụng giá trị tối đa cho phép Cmax = C (không áp dụng hệ số Kq và Kf) đối với thông số pH và Tổng coliform.
2.1.3. Nước thải chế biến tinh bột sắn xả vào hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung thì áp dụng giá trị C max = C quy định tại cột B, Bảng 1.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường