NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng toàn bộ hoặc một phần ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 15, 16 và 17 Nghị định số95/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
2. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy định tại Thông tư này (sau đây gọi là nhiệm vụ) bao gồm: đề án khoa học, đề tài khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm, dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp Bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở.
3. Các nhiệm vụ không sử dụng ngân sách nhà nước được phép vận dụng chế độ khoán chi quy định tại Thông tư này.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ, các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Phương thức khoán chi thực hiện nhiệm vụ
1. Khoán chi thực hiện nhiệm vụ là giao quyền tự chủ tài chính cho tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ trong việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền giao khoán, gắn với trách nhiệm về các kết quả của nhiệm vụ được giao đúng mục tiêu, yêu cầu; đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.
2. Nhiệm vụ được khoán chi theo một trong hai phương thức sau:
a) Nhiệm vụ thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng;
b) Nhiệm vụ thực hiện theo phương thức khoán chi từng phần.
3. Nhiệm vụ được xây dựng dự toán kinh phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22 tháng 4 năm 2015 của liên bộ Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi là Thông tư liên tịch 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN); việc triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định khoán chi tại Thông tư này.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
1. “Đơn vị quản lý kinh phí” là đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ giao quản lý tài chính để thực hiện nhiệm vụ.
2. “Kinh phí tiết kiệm từ kinh phí được giao khoán” là kinh phí chênh lệch giữa tổng dự toán kinh phí giao khoán của nhiệm vụ được phê duyệt so với tổng kinh phí giao khoán thực chi sau khi nhiệm vụ đã hoàn thành và được đánh giá nghiệm thu ở cấp quản lý nhiệm vụ từ mức “Đạt” trở lên.
3. “Kinh phí tiết kiệm từ kinh phí không được giao khoán” là tổng kinh phí chênh lệch giữa dự toán được duyệt của các nội dung công việc không được giao khoán so với số thực chi thực hiện nội dung công việc đó sau khi nhiệm vụ đã hoàn thành và được đánh giá nghiệm thu ở cấp quản lý nhiệm vụ từ mức “Đạt” trở lên. Trường hợp kinh phí không sử dụng do không thực hiện nội dung công việc thì không được tính là kinh phí tiết kiệm và phải nộp trả ngân sách nhà nước.
4. “Nhiệm vụ không hoàn thành” là nhiệm vụ bị đình chỉ trong quá trình thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ do sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ; hoặc là nhiệm vụ được Hội đồng đánh giá nghiệm thu ở cấp quản lý nhiệm vụ đánh giá “Không đạt”.
Nguồn: Bộ khoa học và công nghệ