Tin tức

Bạn đánh giá: 5 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lực

Tác giả: Đoàn Văn Cánh

Tổng lượng nước có trên trái đất là bao nhiêu? Theo tính toán của các nhà địa chất Mỹ toàn trái đất có khoảng 1357,5 triệu km3 nước, thì chỉ có 3% là nước nhạt (ngọt), phần còn lại (97%) là nước mặn trong các đại dương. Trong số 3% tổng nước ngọt trên trái đất thì có tới 77% nằm ở vùng đóng băng vĩnh cửu (các khối băng vùng bắc cực, nam cực), còn lại chỉ 1% nước chứa trong sông, hồ trên khắp các châu lục và 11% nước dưới đất ở độ sâu từ 800m trở lại có thể khai thác sử dụng được, còn 11% nước dưới đất ở độ sâu từ 800m trở xuống không thể khai thác sử dụng trong điều kiện kỹ thuật hiện nay.
Thế nhưng, thế giới hiện nay khai thác sử dụng nước dưới đất mạnh mẽ như thế nào? Các nước trên thế giới khai thác sử dụng nước dưới đất không đồng đều. Toàn thế giới, hàng năm khai thác khoảng 800 km3 (2.191.781.000,0 m3/ngày) từ nước dưới đất . Trong đó Châu Phi là 35 km3/năm (95.890.411 m3/ngày); Bắc và Trung Mỹ: 150 (410.959.000); Nam Mỹ: 25; Châu Á: 500; Châu Âu: 80; Châu Úc và Châu Đại Dương: 10 km3/năm.
Có 10 nước khai thác nước dưới đất lớn nhất (chiếm 74% trữ lượng nước dưới đất khai thác trên toàn thế giới) là Ấn Độ: 190 km3/năm; Mỹ: 115; Trung Quốc: 97; Pakistan: 55; Iran: 53; Mexico: 25; Arabia Saudi: 21; Nhật Bản: 13,2; Indonesia: 12,5 và Nga: 11,6 (Theo Exploitation and Utilization of Groundwater around the World. Jean Margat. UNESCO. 10/2000 [4]).
Nước dưới đất ở Mỹ được khai thác từ các tầng chứa nước trong 6 thành tạo chứa nước cơ bản là thành tạo bở rời, thành tạo cát-bột kết, thành tạo carbonat, thành tạo lục nguyên-carbonat, thành tạo phun trào-biến chất và nước trong các loại thành tạo khác (US Geological Survey). 
Ở Nga, khai thác sử dụng nước dưới đất gần 15 triệu m3/ngày. Ở các thành phố lớn (hơn 100 ngàn dân) tỷ trọng nước dưới đất chỉ chiếm 29%, thậm chí các thành phố lớn như Matxcova, San Peterburg, Roctop Na Đon, Vladivostok.. hoàn toàn sử dụng nước mặt. Tỷ trọng sử dụng nước dưới đất ở nông thôn chiếm tới 85%. 
Nếu lấy chỉ số là tỷ số giữa tổng lượng khai thác so với tổng lượng bổ cập thì sao? Bản đồ do các nhà ĐCTV Hà Lan thuộc tổ chức IAH thành lập năm 2006 gây cho ta những ấn tượng sâu sắc về số liệu đó trên toàn thế giới [5]. Chỉ số có giá trị < 20% cho biết lãnh thổ đó còn dư dật nước dưới đất và có thể khai thác bền vững. Những nước có chỉ số 100% và lớn hơn nằm ở Trung cận Đông và Bắc Phi, nước dưới đất đang bị cạn kiệt dần. Những nước có chỉ số từ 20% đến 100% là những nước mà ở đấy việc khai thác nước dưới đất chỉ có thể bền vững nếu kiểm soát chặt chẽ việc khai thác nước và có kế hoạch bổ sung nhân tạo nước dưới đất. Việt Nam nằm trong những nước có chỉ số trung bình.
Tuy nhiên, những khu vực có tài nguyên nước dưới đất ổn định trên thế giới đang từng ngày thu nhỏ lại. Có 3 vấn đề chính ảnh hưởng đến việc sử dụng nước dưới đất: nước dưới đất cạn kiệt do sử dụng quá mức, do quy hoạch khai thác không đúng và do bị ngập úng, nước dưới đất bị nhiễm mặn do việc khai thác nước chưa hợp lý và việc sử dụng liên tục không có hiệu quả, và nước dưới đất bị ô nhiễm do các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và các hoạt động khác của con người gây ra. 
Trong các khái niệm, thuật ngữ về tài nguyên và trữ lượng nước dưới đất đang được sử dụng hiện nay ở Việt Nam như đã dẫn chứng ở trên cho thấy nó không phù hợp trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt trong việc sử dụng các con số này để đưa vào công thức xác định giá trị các chỉ số phục vụ phân vùng khai thác bền vững. Để xác định chỉ số nước dưới đất chúng ta phải có cách tiếp cận mới, có những khái niệm phù hợp với những khái niệm và con số trên thế giới được quan tâm sử dụng nhiều nhất trong việc khai thác an toàn nước dưới đất. Các khái niệm nên sử dụng là:
+ Khái niệm về Tài nguyên dự báo nước dưới đất (tiềm năng tài nguyên nước dưới đất) bao gồm hai phần: phần tích chứa trong tầng chứa nước và phần bổ cập tự nhiên;
+ Khái niệm về: Trữ lượng khai thác an toàn ( trữ lượng có thể khai thác) nước dưới đất.

Tài nguyên dự báo nước dưới đất (tài nguyên nước dưới đất) là lượng nước có chất lượng và giá trị xác định có thể nhận được trong giới hạn một cấu trúc địa chất thủy văn, một lưu vực sông hay một vùng lãnh thổ có tiềm năng khai thác sử dụng sau này. 
Tài nguyên dự báo nước dưới đất không thể khai thác ngay được mà nó chỉ nói lên tiềm năng về tài nguyên nước dưới đất lãnh thổ nghiên cứu. Nó phải được điều tra đánh giá chi tiết chuyển một phần thành trữ lượng khai thác nước dưới đất.

Tài nguyên dự báo nước dưới đất cho ta biết tiềm năng nước dưới đất một lãnh thổ nghiên cứu (một vùng thăm dò, một cấu trúc địa chất địa chất thủy văn, một lưu vực sông…), nó được cấu thành từ hai nguồn chính là: nguồn tài nguyên tích chứa trong tầng chứa nước bao gồm phần tích chứa (tĩnh) trọng lực, tích chứa (tĩnh) đàn hồi (trước đây thường được gọi là trữ lượng tĩnh); và một nguồn đóng vai trò rất quan trọng là nguồn bổ cập trong điều kiện tự nhiên (trước đây thường gọi là trữ lượng động tự nhiên). Việc đánh giá này không phải thực hiện thường xuyên mà chỉ tiến hành theo đơn đặt hàng của các tổ chức quy hoạch và quản lý lãnh thổ để biết được tiềm năng tài nguyên nước dưới đất lãnh thổ nghiên cứu. 
Đối tượng đánh giá tài nguyên dự báo nước dưới đất là các tầng chứa nước trong giới hạn một cấu trúc địa chất thủy văn, trong giới hạn một thung lũng sông hay vùng lãnh thổ theo kết quả mô hình hóa điều kiện địa chất thủy văn khu vực, bằng phương pháp tính toán cân bằng, tính toán thủy động lực hoặc có thể bằng phương pháp tương tự địa chất thủy văn. (Khái niệm Tài nguyên dự báo nước dưới đất ở đây sử dụng thay cho khái niệm Trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất, bởi vì khái niệm Trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất hiện nay đang sử dụng một cách không phù hợp với những khái niệm về tài nguyên khoáng sản hiện hành).
Tài nguyên dự báo nước dưới đất thể hiện bằng khối lượng (m3, km3) nước trữ trong đất đá, hoặc là bằng tổng lượng nước có thể nhận được bằng các công trình khai thác quy ước trong khoảng thời gian dự báo xác định (km3/năm, m3/ngày).Đây là một con số rất chung chung nên không thể gọi là trữ lương được.

Còn trữ lượng khai thác nước dưới đất là gì? Định nghĩa đầy đủ: Trữ lượng khai thác nước dưới đất là lượng nước có thể nhận được từ mỏ nước hay một phần mỏ nước bởi các công trình khai thác nước hợp lý về mặt địa chất, kinh tế kỹ thuật trong điều kiện và chế độ khai thác đã cho với chất lượng nước thỏa mãn yêu cầu sử dụng trong suốt thời gian khai thác, không gây tác động môi trường.
Trữ lượng khai thác nước dưới đất được tính toán theo kết quả công tác thăm dò địa chất thủy văn (điều tra đánh giá nước dưới đất) cũng như theo tài liệu khai thác nước dưới đất trong diện tích mỏ nước nghiên cứu. Đối tượng tính toán trữ lượng nước dưới đất là mỏ nước dưới đất dùng cho ăn uống sinh hoạt, kỹ thuật và mỏ nước khoáng. Chúng không phải là khối lượng, trọng lượng như khoáng sản rắn, mà là lưu lượng, nghĩa là lượng nước có thể lấy được (hút ra được) theo thời gian bằng các công trình khai thác cụ thể. 
Để tính toán trữ lượng khai thác nước dưới đất, trong quá trình điều tra đánh giá nước dưới đất phải xác định:
• Số lượng giếng khoan khai thác
• Vị trí phân bố giếng khoan khai thác
• Cấu trúc của giếng khoan khai thác
• Kích thước đới phòng hộ vệ sinh
Khi đó cần phải chứng minh được công trình làm việc với :
• Đúng số lượng giếng khoan như thế
• Đúng cấu trúc như thế
• Phân bố với sơ đồ như thế
• Làm việc ổn định trong thời gian tính toán
Trong điều kiện như thế mực nước hạ thấp trong giếng khoan trong quá trình khai thác không được vượt quá giới hạn cho phép (ngưỡng mực nước động), chất lượng đảm bảo theo yêu cầu, không có tác động xấu đến môi trường xung quanh thì trữ lượng khai thác nước dưới đất đã được chứng minh thỏa mãn yêu cầu.
Trong nhiều trường hợp, đặc biệt khi nghiên cứu tài nguyên nước dưới đất khu vực rộng lớn, như đồng bằng Bắc Bộ (ĐBBB) và đồng bằng Nam Bộ (ĐBNB) chúng ta không thể có số liệu để xác định trữ lượng khai thác nước dưới đất theo cách này, đặc biệt khi tìm số liệu về số lượng nước dưới đất để tính toán các chỉ số nước dưới đất phục vụ phân vùng khai thác bền vững lãnh thổ. Chính vì thế, trong quá trình nghiên cứu tiếp cận với tài liệu nước ngoài chúng tôi tìm kiếm một khái niệm có thể xác định được, thể hiện trữ lượng khai thác nước dưới đất trên cơ sở tài liệu nghiên cứu khu vực đã có. Đó là khái niệm trữ lượng khai thác an toàn (hay trữ lượng có thể khai thác). Trữ lượng khai thác an toàn, khai thác bền vững (đồng nghĩa với tiếng Anh là Groundwater Safe yield, Sustainable Groundwater Resource, hoặc trữ lượng có thể khai thác (Anable Grounwater Resource ) là lượng nước có thể nhận được từ tầng chứa nước ổn định trong thời gian dài mà không gây tác động xấu đến môi trường, nghĩa là không gây sụt lún đất, không gây xâm nhập mặn hoặc không gây ô nhiễm nguồn nước dẫn đến không sử dụng được.

Trong Điều 2 quyết định 13 /2007/Qd-BTNMT ngày 4 tháng 9 năm 2007 về điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất có giải thích "Trữ lượng khai thác tiềm năng hoặc trữ lượng có thể khai thác của một vùng là lượng nước có thể khai thác từ các tầng chứa nước và chứa nước yếu trong vùng đó mà không làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và biến đổi môi trường vượt quá mức cho phép". Ở đây không sử dụng chữ hoặc được vì hai khái niệm đó rất khác nhau. Thực tế điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất của các tầng chứa nước ở ĐBNB, con số gọi là trữ lượng khai thác tiềm năng lấy đến hết trữ lượng đàn hồi và một phần 3 trữ lượng tĩnh tầng chứa nước ở độ sâu hàng ba bốn trăm mét thì làm sao gọi là trữ lượng có thể khai thác hay trữ lượng khai thác an toàn được.
Theo tôi thông tư này cần phải điều chỉnh cho phù hợp.

Trữ lượng khai thác an toàn được xác định như thế nào và bằng bao nhiêu phần trăm so với tài nguyên dự báo nước dưới đất. Chúng ta biết rằng, trước đây khi xác định trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất, theo truyền thống của Liên Xô cũ người ta kiến nghị có thể lấy hết trữ lượng động tự nhiên, lấy hết trữ lượng tĩnh đàn hồi cộng với từ 30% (nước có áp) đến 70% (nước không áp) trữ lượng tĩnh trọng lực. Thực tế khai thác nước dưới đất cho đến nay đã chứng minh được cách tính toán như thế không phù hợp, bởi vì khi các tầng chứa nước phân bố ở sâu (200 m từ mặt đất trở xuống), không bao giờ lấy hết được cái gọi là trữ lượng tĩnh đàn hồi, cũng có nghĩa là không bao giờ xâm phạm được vào phần trữ lượng tĩnh, và cũng không bao giờ cho phép lấy hết phần bổ cập tự nhiên. Từ những nghiên cứu tài liệu nước ngoài, ở đây chúng tôi kiến nghị trữ lượng khai thác an toàn có thể lấy bằng 30% tài nguyên dự báo nước dưới đất (nghĩa là ngưỡng an toàn ở đây chỉ lấy đến 30% tổng lượng trữ tự nhiên và nguồn bổ cập tự nhiên). Còn trữ lượng khai thác công trình bằng bao nhiêu phải được xác định bằng công trình khai thác cụ thể như đã trình bày ở trên.
Kết quả xác định tài nguyên dự báo nước dưới đất và trữ lượng khai thác an toàn trình bày trong báo cáo tổng hợp đề tài KC.08.06 ở ĐBBB và ĐBNB có thể tương đương với số liệu dự báo trữ lượng khai thác tiềm năng trước đây đã công bố, tuy nhiên chỉ khác ở cách tiếp cận vấn đề cho phù hợp với quan điểm về tài nguyên và trữ lượng khoáng sản rắn cũng như tài nguyên nước dưới đất hiện nay trên thế giới đang sử dụng. 
Một trong những chỉ tiêu để đánh giá sự ổn định của nguồn nước là thời hạn phục hồi nguồn nước, nghĩa là thời gian cần thiết để nước vận động từ miền hình thành đến miền phá hủy. Đối với dòng chảy trên mặt tính trung bình cho toàn địa cầu, thời gian đó cỡ khoảng 16 ngày đêm, còn đối với dòng ngầm - 1,5 ngàn năm. Tất nhiên bạn đọc có thể hoài nghi sự chính xác của con số về dòng ngầm, nhưng con số đó đủ để so sánh với dòng chảy trên mặt. 
Do giới hạn về phục hồi nguồn nước cho nên phải đặc biệt chú ý đến bảo vệ tầng chứa nước khỏi bị cạn kiệt và ô nhiễm.

Nguồn: Hội địa chất thủy văn Việt nam

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực

Nước là một phần thiết yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng liên quan đến nguồn nước trên phạm vi toàn cầu mà nguyên nhân chính là do suy giảm hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2018 được Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc lựa chọn là “Nước với Thiên nhiên” với mong muốn tìm kiếm các giải pháp dựa vào tự nhiên để giải quyết, ứng phó kịp thời với những thách thức về nguồn nước.
 
Nước và những số liệu thông kê
 
Nhu cầu sử dụng nước
• Hiện nay, có khoảng 2,1 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ về nước uống bảo đảm an toàn.
• Đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng khoảng 2 tỷ người và nhu cầu về nước toàn cầu có thể lên tới 30% so với hiện nay.
• Nông nghiệp hiện sử dụng khoảng 70% lượng nước toàn cầu, chủ yếu là để tưới tiêu - con số này sẽ  tăng lên ở các vùng có áp lực nước cao và mật độ dân số cao. Ngành công nghiệp chiếm 20% tổng nhu cầu sử dụng nước, chủ yếu là dùng trong ngành công nghiệp năng lượng và sản xuất. 10% còn lại sử dụng  cho sinh hoạt - tỷ lệ sử dụng nước uống chỉ nhỏ hơn 1%.
 
• Ngày nay, khoảng 1,9 tỷ người sống trong các khu vực khan hiếm nước. Đến năm 2050, con số này có thể tăng lên khoảng 3 tỷ người. 

Ngày Nước thế giới 2018: Nước và những số liệu thống kê

Chất lượng nước
 
 Trên toàn cầu, hơn 80% lượng nước thải do xã hội tạo ra trở lại môi trường tự nhiên mà không cần xử lý hoặc được đem đi tái sử dụng.
 
Khí hậu và Môi trường
 
• Dự kiến số người có nguy cơ  bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tăng từ 1,2 tỷ tại thời điểm này lên khoảng 1,6 tỷ năm 2050 – chiếm gần 20% dân số thế giới.
 
• Ngày nay, khoảng 1,8 tỷ người bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái đất và sa mạc hoá. Ít nhất 65% diện tích đất bị mất hoặc  ở trạng thái thoái hoá.
 
• Khoảng 64-71% diện tích đất ngập nước tự nhiên đã biến mất từ năm 1900 do các hoạt động của con người.
 
• Sự xói mòn đất trồng trọt mang đi từ 25 đến 40 tỷ tấn đất mặt hàng năm, điều này gây ảnh hưởng và làm giảm đáng kể sản lượng cây trồng cũng như khả năng hấp thụ  nước, carbon và chất dinh dưỡng của đất. Dòng chảy tràn, dòng chảy lũ cũng chứa một lượng lớn nitơ và phốt pho, cũng là một đóng góp chính cho ô nhiễm nguồn nước.
Ngày Nước thế giới 2018: Nước và những số liệu thống kê

Ngày Nước thế giới 2018: Nước và những số liệu thống kê

Nguồn: Theo worldwaterday.org và dwrm.gov.vn

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực

Những mối lo ngại về sự nứt gãy thủy lực, một phương pháp khai thác dầu và khí đốt xâm nhập sử dụng hàng triệu gallon nước ngọt và các chất hoá học được bơm vào trong vào trong các lớp đất đá dưới lòng đất có khả năng gây ra những tác động tiềm ẩn đến chất lượng nước trong khu vực.

Tuy nhiên, như các nhà khoa học cho biết, các hoạt động nứt gẫy"fracking"  này có thể có tác động khi sử dụng một lượng lớn nước từ các sông suối gần đó đồng thời sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh và vấn đề sử dụng nước của người dân trong lưu vực. 
 
Trung bình, hơn 5 triệu gallon (khoảng 22,7 triệu lít)  nước ngọt được sử dụng để bơm vào các đứt gãy để khai thác khí  tại Hoa Kỳ cho một điểm khai thác.  Với lượng này đủ để  lấp đầy bảy bể bơi cỡ Olympic. Thực tế, các dòng suối nhỏ xung quanh là nguồn nước chính cho các hoạt động này ngoài việc  cung cấp nước uống cho cộng đồng dân cư  và cũng là môi trường sinh sống của các loài sinh vật thủy sinh mà hiện đang suy giảm nhanh chóng. Tuy nhiên, lượng nước được khai thác  cho các hoạt động này có thể được sử dụng khai thác một cách bền vững hay không và đường đi như thế nào thì hiện vẫn chưa được nghiên cứu và quan tâm. Ông Sally Entrekin và các đồng nghiệp muốn đưa ra bức tranh mô phỏng những tác động này cho khu vực Fayetteville Shale, một vùng mỏ khí đốt đang hoạt động ở Arkansas, hiện có hơn 5.000 giếng khoan khí đã được khoan sử dụng kỹ thuật bơm vào các đứt gãy trong giai đoạn từ năm 2004 -2014.


( Hình ảnh minh họa )

Các nhà nghiên cứu ước tính sự căng thẳng về vấn đề sử dụng nước cho phương pháp khai thác khí theo vết nứt thủy lực có thể gây ra trên các dòng suối trong thời gian sử dụng phương pháp khai thác này và các dữ liệu về tốc độ dòng chảy của các sông suốt gần đó. Các dòng suối trong khu vực này hiện đang cung cấp nước uống và nước sinh hoạt cho hàng ngàn người trong khu vực và  hiện có khoảng 10 loài sinh vật thủy sinh đang bị suy giảm về số lượng.
 
Các tính toán của nhóm nghiên cứu cho thấy việc sử dụng nước ngọt để khai thác khí theo phương pháp này có thể ảnh hưởng đến các sinh vật dưới nước trong khoảng quy mô từ  7%  đến 51% diện tích lưu vực, tùy thuộc vào tháng hay thời điểm trong năm. Nếu 100% nước thải của quá trình khai thác này được tái chế, tác động tiềm ẩn sẽ giảm, nhưng vẫn còn khoảng 3%  đến 45% diện tích lưu vực vẫn có thể bị ảnh hưởng. Do vậy, các nhà nghiên cứu kết luận rằng cần tăng cường giám sát và tiếp cận các dữ liệu thu hồi nước cũng như tốc độ,  luồng dòng chảy để đảm bảo bảo vệ nguồn nước ít nhất là đảm bảo nguồn nước uống và môi trường sống cơ bản có giá trị trong tương lai.
Nguồn:theo dwrm và Science daily

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực

Ngày 29/12/2017, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản ký ban hành Quyết định số 9044/QĐ-UBND về việc phê duyệt Bảng giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, khi giá bán trên thị trường các loại tài nguyên nêu trong Quyết định này có biến động lớn, Sở Tài chính căn cứ các quy định hiện hành, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Thuế thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát, điều chỉnh giá trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt điều chỉnh kịp thời. Cục Thuế thành phố Hà Nội có trách nhiệm hướng dẫn các Chi cục Thuế tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát việc kê khai, nộp thuế tài nguyên của người nộp thuế, phù hợp với quy định tại Điều 6 Thông tư số 152/TT-BTC ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quyết định số 4659/QĐ-UBND ngày 18/7/2017 của UBND thành phố Hà Nội.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Sở tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực

Dữ liệu thu được từ một vệ tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy nồng độ khí thải carbon trên toàn thế giới tăng mạnh, đặc biệt là vào mùa Đông, cùng nhiều bằng chứng mới về sự gia tăng các chất gây ô nhiễm khiến Trái Đất nóng lên.

Các phát hiện trên có được thông qua dữ liệu từ Vệ tinh quan sát carbon 2 (OCO-2)do NASA phóng lên vũ trụ hồi năm 2014.

Vệ tinh này có sứ mệnh đo nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển - tác nhân gây hiệu ứng nhà kính được sản sinh ra từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch.

Nồng độ khí thải carbon trên toàn thế giới tăng mạnh, đặc biệt là vào mùa Đông.Nồng độ khí thải carbon trên toàn thế giới tăng mạnh, đặc biệt là vào mùa Đông. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Các thông số do Vệ tinh OCO-2 thu thập được đã cho thấy sự thay đổi lớn trong chu trình carbon tại Bắc Bán cầu qua các mùa và tại đây vào mùa Xuân, các loài thực vật trên cạn đã hấp thụ một lượng lớn khí carbon.

Trái lại, trong suốt mùa Đông, lượng khí carbon mà các loài này hấp thụ chỉ ở mức tối thiểu, song phần cây mục ruỗng lại thải carbon vào bầu khí quyển.

Chu trình này cùng việc phát thải liên tục khí carbon từ quá trình đốt các nhiên liệu hóa thạch tại Trung Quốc, châu Âu và khu vực Đông Nam nước Mỹ đã khiến nồng độ carbon đạt mức cao vào tháng 4 tại khu vực Bắc Bán cầu. Kế đó, khi Xuân qua, Hè về, các loài thực vật lại bắt đầu hấp thụ khí này.

Một nghiên cứu khác đăng tải trên tạp chí Science của Mỹ lại nhận thấy hiện tượng đại dương ấm lên hay còn gọi là El Nino cũng dẫn tới việc phát thải thêm nhiều khí carbon tại các vùng nhiệt đới hơn so với những năm trước đây.

Cụ thể, hiện tượng này xảy ra vào năm 2015 đã dẫn tới việc phát thải thêm khoảng 2,5 gigaton khí carbon vào khí quyển so với năm 2011, đồng thời khiến lượng mưa tại Nam Mỹ giảm thấp và làm tăng nhiệt độ châu Phi. Tại châu Á, lượng khí thải carbon tăng chủ yếu là do hoạt động đốt rác thải.

Biến đổi khí hậu được dự báo sẽ khiến lượng mưa giảm dần đối với Nam Mỹ và làm tăng nhiệt độ đối với châu Phi vào cuối thế kỷ 21. Thậm chí, các nhà nghiên cứu cảnh báo xu hướng thời tiết cực đoan này sẽ còn diễn biến phức tạp hơn nữa tại các vùng nhiệt đới.

Nguồn: Theo khoahoc.tv/TTXVN/Vietnam+

Search

Search